Các nước cùng hợp tác để ngăn giá cao su giảm sâu

Các nhà sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới gồm Indonesia, Thái Lan và Malaysia đang tính đến việc cùng nhau hợp tác nhằm hỗ trợ giá cao su, một năm sau nỗ lực tương tự không thành, do giá lốp cao su giảm xuống mức thấp trong năm năm qua trước những lo ngại về tình kinh tế Trung Quốc - nước tiêu thụ cao su hàng đầu - đang tăng chậm lại.

Ba nước trên, chiếm tới 70% sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu, đang nghiên cứu xem việc cùng nhau hạn chế xuất khẩu, giảm khai thác mủ cao su hay thu mua mặt hàng này từ những người nông dân có thể “xoay chuyển” đà giảm của giá hay không.
Đại điện từ ba quốc gia Đông Nam Á trên dự kiến nhóm họp trong tháng này nhằm nỗ lực tìm ra một thoả thuận. Hồi cuối tuần trước, một cuộc họp sơ bộ giữa các quan chức đã diễn ra tại Singapore .
Một thoả thuận có thể tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất cao su như Sri Trang Agro-Industry (Thái Lan), song cũng có thể làm tăng chi phí đầu vào đối với các hãng sản xuất lốp cao su như Bridgestone Corp, khách hàng thu mua cao su hàng đầu.
Gu Jiong, chuyên gia phân tích thuộc Yutaka Shoji Co tại Tokyo, nhận định: “Trong giai đoạn này, tôi cho rằng chỉ các nước đang sản xuất cao su mới có thể hỗ trợ giá hàng hóa này, họ chỉ cần đưa ra cam kết của mình. Tình hình hiện nay trên thị trường cao su vô cùng tồi tệ.”
Ba quốc gia Đông Nam Á nói trên đã cùng thành lập Côngxoócxium cao su quốc tế (IRCo) và nhất trí giảm xuất khẩu khoảng 300.000 tấn, tương đương 3% sản lượng cao su toàn cầu năm 2012.
Tuy nhiên, giá cao su chỉ tạm thời tăng trước khi giảm một lần nữa do lo ngại cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu có thể làm “chệch hướng” nhu cầu. Indonesia, nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, cho rằng động thái cắt giảm xuất khẩu trên không phải là giải pháp tốt nhất trong tình hình hiện nay.
Kho dự trữ tại Trung Quốc tăng lên cộng với sản lượng tăng tại khu vực châu Á và hoạt động bán tháo trên Sàn giao dịch Tokyo đang gây thêm áp lực lên sức tăng trưởng của thị trường ôtô toàn cầu, được dự báo sẽ tăng tới 5% trong năm nay.
Các nhà sản xuất sao su đã sẵn sàng bắt đầu ứng phó. Ấn Độ không phải là thành viên của IRCo, song Kerala, bang sản xuất chính của nước này, đã bắt đầu mua cao su ở mức giá cao hơn giá thị trường từ người nông dân sau khi giá cả trong nước giảm xuống mức thấp trong bốn năm qua.
Indonesia cũng đã kêu gọi nông dân nước này giảm khai thác mủ cao su. Trong khi, Thái Lan, nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, và Malaysia, nước đứng ở vị trí thứ sáu về sản xuất, có thể lựa chọn việc xuất khẩu và cắt giảm sản lượng.
Trả lời hãng tin Reuters, Herdrajat Natawijaya, một quan chức thuộc Bộ Nông nghiệp Indonesia nói: “Nếu chúng ta không giảm sản lượng, thì đà giảm của giá cao su toàn cầu sẽ tiếp tục chìm sâu vì dự trữ cao su toàn cầu đang ở mức cao. Chúng tôi dự kiến cắt giảm khoảng 10% sản lượng cao su trong năm nay (tương đương với 300.000 tấn) bằng cách giảm khai thác mủ cao su thường xuyên trong khi chờ giá tốt hơn”.
Loại cao su SIR20 của Indonesia, có giá rẻ nhất tại thị trường Đông Nam Á, hồi tuần trước được bán ở mức 85 - 85,5 cent/pound cho một số khách hàng, trong đó có hãng sản xuất lốp xe Bridgestone.
Cũng trong tuần trước hợp đồng cao su giao tháng 7/2014 trên Sàn giao dịch hàng hoá Tokyo (TOCOM) đã giảm xuống mức thấp nhất 18 tháng qua do lo ngại về nhu cầu từ Trung Quốc, khi lượng cao su dự trữ tại các kho do Sở Giao dịch hàng hoá kỳ hạn Thượng Hải quản lý ở mức cao nhất kể từ năm 2004./.

 

 

Bản quyền thuộc Công ty TNHH CAO SU KỸ THUẬT QC